HUẤN LUYỆN LỄ SINH - THÁNG 08/2020

HỎI VÀ SỐNGPHỤNG VỤ THÁNH THỂ
Dành Cho Các Lễ Sinh
1.      Hội Thánh là gì ?
Hội Thánh là cộng đoàn Dân Chúa mà Đức Giêsu đã qui tụ và dẫn dắt dưới sự soi sáng và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để tiến về Quê Trời.
2.      Giáo phận là gì ?
Giáo Phận là một phần Dân Chúa được giao phó cho một Giám mục săn sóc, cùng với sự cộng tác của Linh mục đoàn, để nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, cộng đoàn ấy lập thành Giáo Hội địa phương.
3.      Giáo phận còn được gọi là gì ?
Giáo phận còn được gọi là “Giáo Hội địa phương”.
4.      Giáo xứ là gì ?
Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, mà việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho cha quản xứ làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục Giáo phận (GL 515).
5.      Cộng đoàn Kitô hữu là gì ?
Cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn dân thánh, được quy tụ có phẩm trật dưới quyền Đức Giám Mục (QCTQ/SLR 91).
6.      Nhìn vào đâu để nói lên cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn có phẩm trật ?
Nhìn vào buổi cử hành thánh lễ để thấy cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn có phẩm trật : trong buổi cử hành thánh lễ, thừa tác viên cũng như tín hữu giáo dân, không ai là khán giả câm lặng nhưng mỗi người đều tham gia tích cực vào buổi cử hành và thực hiện phận vụ của mình theo qui tắc phụng vụ.
7.      Chủ tế là ai ?
Chủ tế là người trong Hội Thánh có chức thánh để dâng hy lễ nhân danh Đức Kitô, để chủ tọa cộng đoàn tín hữu được quy tụ (QCTQ/SLR 93) ; ngài thay mặt Đức Kitô là Đầu mà hành động (LM 2).
8.      Phó tế là ai ?
Phó tế là người có chức thánh để phục vụ : thầy công bố Tin Mừng, đôi khi diễn giảng Lời Chúa, xướng các ý nguyện trong lời nguyện cho mọi người, giúp chủ tế khi chuẩn bị bàn thờ và khi cử hành hy tế, cho các tín hữu rước lễ, nhất là dưới hình rượu (QCTQ/SLR 94).
9.      Người giúp lễ là ai ?
Là người phục vụ bàn thờ, giúp chủ tế và thầy phó tế (QCTQ/SLR 98). Khi sốt sắng tham dự và thi hành phận sự mình, thì người giúp lễ góp phần tạo nên bầu khí tôn nghiêm, giúp cho cộng đoàn cầu nguyện để tôn vinh Thiên Chúa.
10. Người đọc sách làm gì ?
Người đọc sách có sứ mạng cao cả là công bố Lời Chúa : Bài đọc I, Thánh vịnh đáp ca, Bài đọc II.

HUẤN LUYỆN LỄ SINH
 
NHỮNG ĐIỀU LỄ SINH CẦN LƯU Ý TRƯỚC THÁNH LỄ
 
Ở nhiều nơi, người giúp lễ không chỉ là người phục vụ bàn thánh, mà còn làm các công việc chuẩn vị cho việc cử hành thánh lễ. Các công việc đó thuộc nhiều nơi khác nhau, chẳng hạn nơi cung thánh hay trong phòng thánh. Tất cả những công việc chuẩn bị này đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh của người giúp lễ, nhằm làm cho các cử hành thánh lễ được sốt sắng, trang nghiêm và trật tự.
 
1.   Sự chuẩn bị.
Thông thường công việc chuẩn bị thánh lễ được trao cho người giúp lễ, thì họ cần hiện diện trước khi mọi người tập họp trong thánh đường. Họ hiện diện sớm để chuẩn bị những gì cần thiết cho cử hành thánh lễ. Sự hiện diện sớm của họ vừa diễn tả nỗ lực hy sinh của mình khi phục vụ cộng đoàn, vừa là cách biểu lộ sự tôn trọng đối với các cử hành thánh và tôn trọng mọi người.
•   Tôn trọng các cử hành thánh:khi người giúp lễ hiện diện sớm để chuẩn bị kỹ lưỡng những gì cần thiết cho thánh lễ, họ vừa tỏ lòng tôn kính đối với các cử hành thánh, vừa tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra. Việc chuẩn bị càng kỹ lưỡng càng loại trừ những thái độ bất cập, chẳng hạn đến đâu làm đến đó, nghĩ sao làm vậy, gặp đâu chỉ đấy…
•   Tôn trọng mọi người: một trong những nguyên tắc cơ bản của phụng vụ là tôn trọng mọi người cầu nguyện, nghĩa là một khi cộng đoàn phụng vụ đã tập họp cầu nguyện, đọc kinh thì không được phép biến cung thánh thành nơi thao tác để đi đi lại lại, làm việc nọ việc kia như thể không có ai trong nhà thờ!
 
2.   Chuẩn bị nơi cung thánh.
a)   Bàn thờ: cần chuẩn bị những việc sau:
–   Xếp khăn phủ bàn thờ lại và đem cất đi, nhằm để lộ khăn bàn thờ trắng ra. Nếu chưa có khăn bàn thờ trắng thì trải chúng lên bàn thờ.
–   Nếu nơi cung thánh chưa có Thánh giá với tượng Chúa chịu nạn, thì đặt một Thánh giá lên bàn thờ hoặc bên cạnh bàn thờ, tượng Chúa quay xuống giáo dân để nhắc mọi người cuộc thương khó sinh ơn cứu độ của Chúa.
–   Có thể đặt những cây đèn lên bàn thờ, hoặc đặt trên một giá rời ngoài bàn thờ. Có thể đặt đèn hai bên bàn thờ cho cân đối, hoặc có thể chỉ đặt một bên.
–   Không nên đặt các bình hoa lên bàn thờ, nên đặt chúng trên một giá rời bàn thờ.
b)   Giảng đài: cần chuẩn bị những việc sau:
–   Nên đặt các bình hoa trang trí giảng đài thế nào cho trang trọng nhưng không màu mè, rườm rà.
–   Đặt sẵn sách bài đọc trong thánh lễ lên giảng đài.
c)   Bàn rượu nước: cần chuẩn bị những việc sau:
–   Chén thánh, đĩa thánh và bánh thánh cho chủ tế, cùng với khăn thánh, khăn lau chén và tấm đậy.
–   Các bình thánh, các chai rượu nước, khăn lau tay, đĩa hứng bánh thánh.
 
3.   Chuẩn bị trong phòng thánh.
a)   Phẩm phục thánh:
–   Cho chủ tế: áo alba (áo trắng dài), dây stola (dây các phép) và áo lễ theo màu phụng vụ của ngày lễ.
–   Cho các thừa tác viên: áo alba, dây đai (nếu có).
b)   Thánh giá đèn hầu: cần thiết đối với các cuộc rước long trọng đầu lễ.
c)   Bình hương lửa: cần thiết trong cuộc rước đầu lễ và xông hương trong thánh lễ.
 
4.   Thinh lặng cầu nguyện.
Khi đã chuẩn bị cung thánh và phòng thánh xong, người giúp lễ nên dành một ít thời gian để cầu nguyện. Nhờ việc cầu nguyện, họ ý thức hơn công việc phục vụ của mình, họ hành động không máy móc rập khuôn, và ngày càng tỏ lòng tôn kính thờ phượng mỗi khi đến gần bàn thánh Chúa.
Khi cầu nguyện có thể tìm kiếm một chỗ riêng biệt trong nhà thờ để tìm gặp Chúa, nhưng cũng có thể kiếm một vị trí kín đáo, trang nghiêm trong phòng thánh để cầu nguyện riêng. Cả hai trường hợp đều cần một bầu khí thinh lặng để con người dễ dàng đối thoại với Chúa.
“Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã muốn dùng con để phục vụ bàn thánh. Xin Chúa mở tai con để con lắng nghe Lời Chúa, xin mở miệng con để con ca tụng danh thánh Chúa. Xin giúp con mãi mãi là tôi tớ trung thành phục vụ Chúa ở nơi đây, cũng như ở khắp mọi nơi mà con hiện diện. Amen.”
Người giúp lễ phải tránh tối đa nói chuyện ồn ào, kêu la lớn tiếng nơi cung thánh cũng như trong phòng thánh. Khi cần trao đổi công việc gì thì nói nhỏ vừa phải, vì nơi cung thánh hay phòng thánh không phải là nơi để người ta tự do phát biểu như ở nơi công trường!
 

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC: