TÀI LIỆU HUẤN LUYỆN LỄ SINH - Tháng 02/2021

TÀI LIỆU
HUẤN LUYỆN LỄ SINH

Tháng 02/2021


A. NHÂN BẢN:
LỊCH SỰ TRONG LỜI NÓI (tiếp theo)
Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe (Ep 4, 29).
1. H. Khi đang đi, muốn vượt qua người khác ta phải làm gì?
T.Ta hơi cúi đầu và nói: xin phép ông, xin phép bà… Tuy là những câu nói vắn tắt, nhưng nó sẽ giúp ta gây thiện cảm với mọi người, và tránh được rất nhiều những xích mích nhỏ nhen.
2. H. Khi làm điều sai lỗi hoặc nói gì không đúng, ta phải làm sao?
T.Ta hãy cố can đảm cất lời: “tôi xin lỗi”, “tôi lầm” để nhận lỗi với người khác.
3. H. Khi người khác đang nói chuyện, ta phải làm gì?
T.Hãy biết lắng nghe và đừng cắt ngang lời người khác khi họ đang nói.
4. H. Khi người khác sơ ý làm phiền hoặc có lỗi với ta và nói lời xin lỗi, ta phải làm sao?
T.Ta nên lịch sự bỏ qua và vui vẻ trả lời: “thưa không có chi”. Đừng lườm nguýt cũng đừng tỏ ra khó chịu.
5. H. Khi đã hứa với ai chuyện gì, ta phải làm sao?
T.Ta phải giữ đúng lời hứa. Nếu vì trường hợp đột xuất có việc quan trọng hay không thể chu toàn được thì ta phải báo lại cho người đó biết.

B. PHỤNG VỤ:
CỬ CHỈ CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU
1. H. Dấu Thánh Giá có nghĩa gì?
T.Dấu Thánh Giá là việc tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, được các tín hữu ghi dấu trước khi cử hành bất cứ việc đạo đức nào.
2. H. Tư thế đứng mang ý nghĩa gì?
T.Là tư thế trang trọng của con người tự do, không phải là nô lệ, là tư thế của người được sống lại, và kính trọng khi lắng nghe Tin Mừng.
3. H. Tư thế ngồi mang ý nghĩa gì?
T.Ngồi là tư thế của kẻ hồi tâm để lắng nghe và thư thái yên hàn đón nhận Lời Chúa trong các bài đọc, để cho Lời Chúa thấm nhập vào trong tâm hồn.
4. H. Tư thế quỳ mang ý nghĩa gì?
T.Là thái độ khiêm tốn nhận mình có tội trước Thiên Chúa vô cùng cao cả.
Bái quỳ là cách diễn tả tâm tình thờ phượng trước thánh nhan Chúa.
5. H. Tư thế bước đi mang ý nghĩa gì?
T.Bước đi chậm rãi khoan thai là dấu chỉ chúng ta đang tiến đến cùng Chúa, là diễn tả niềm vui và ước ao được đến với Chúa, như lúc đầu lễ, dâng lễ, rước lễ, v.v...
  
C. LỄ SINH SỐNG NGÀY THÁNH THỂ:
CHẦU THÁNH THỂ VÀ VIẾNG THÁNH THỂ
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).  
1. H. Ngoài thánh lễ, ta còn cách nào để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể?
T. Ngoài thánh lễ, ta còn tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc tham dự các giờ chầu Thánh Thể và viếng Thánh Thể.
2. H. Chầu Thánh Thể có phải là việc cử hành phụng vụ không?
T. Chầu Thánh Thể là một hình thức tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ được Giáo Hội nhìn nhận là việc phụng vụ, tức là việc tôn thờ công cộng của Giáo Hội.
3. H. Chầu Thánh Thể có mục đích gì?
T. Việc Chầu Thánh Thể có ba mục đích:
1) Nhìn nhận sự hiện diện kỳ diệu của Chúa Kitô trong Bí Tích;
2) dẫn ta tiến đến sự tham dự đầy đủ hơn trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, tột đỉnh trong việc hiệp lễ;
3) nuôi dưỡng việc phụng thờ xứng hợp đối với Chúa Kitô trong tinh thần và chân lý.
4. H. Viếng Thánh Thể như thế nào?
T.Viếng Thánh Thể chính là việc vào nhà thờ hay nhà nguyện nơi có nhà tạm để kính viếng tôn thờ Chúa.
5. H. Việc viếng Thánh Thể mang lại hiệu quả gì?
T.Giờ viếng Thánh Thể là thời gian gặp Chúa bằng con đường của đức tin và quả tim; là những phút giây Chúa Giêsu huấn luyện tâm hồn và trái tim mỗi người bằng chính ngọn lửa tình yêu mãnh liệt của Ngài, giúp ta sống mỗi ngày nên giống Chúa hơn.

 

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC: