TÀI LIỆU HUẤN LUYỆN LỄ SINH 01/2021

TÀI LIỆU
HUẤN LUYỆN LỄ SINH
Tháng 01/2021

A. NHÂN BẢN:
LỊCH SỰ TRONG LỜI NÓI

Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe (Ep 4, 29).
1. H. Tại sao phải chào-hỏi?
T.Những lời chào-hỏi ngắn gọn, lễ phép đơn sơ, nhưng lại giúp dễ dàng gây thiện cảm với bất cứ người nào ta gặp. Lời chào hỏi cũng biểu lộ người lịch sự, có giáo dục.
2. H. Trong gia đình, em phải giữ lễ phép với người trên như thế nào?
T.Trong gia đình, ta luôn giữ lễ phép với người trên qua việc: “đi thưa, về trình”; “gọi dạ, bảo vâng”.
3. H. Khi gặp người trên, em phải giữ lễ phép thế nào?
T.Khi gặp người trên, ta luôn chào hỏi cách lễ phép, không trợn mắt nhìn hoặc cười ruồi rồi quay đi.
4. H. Khi người khác giúp đỡ, em cần có biểu hiện nào?
T.Đối với bất cứ ai đã giúp ta làm một việc gì dù nhỏ, ta hãy nhớ nói lời “cám ơn” để biểu lộ lòng biết ơn đối với người đó.
5. H. Khi nhận được lời cám ơn, em phải làm sao?
T.Khi nhận lời cám ơn, ta đừng toét miệng cười; hãy trả lời: thưa, không có chi ạ! Hoặc con vui khi làm việc đó…
 
B. PHỤNG VỤ:
LỜI NÓI VÀ DÁNG ĐIỆU CỦA CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU

1. H. Lời tung hô trong thánh lễ gồm những lời nào?
T.Các lời tung hô trong thánh lễ gồm có:
   - Amen: tiếng Do thái có nghĩa là tán đồng, "Vâng, đúng thế...".
   - Alleluia: tiếng Do thái có nghĩa là "Chúc tụng Chúa". Đây là lời tung hô bày tỏ niềm vui mừng và chiến thắng.
   - Hosanna: tiếng Do thái tạm dịch là "Hoa nhô".
   - Tạ ơn Chúa; Lạy Chúa, vinh danh Chúa; Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa: đây là những lời chúc tụng tạ ơn Chúa.
Những lời này có thể dưỡng nuôi tâm tình cầu nguyện trong tâm trí ta suốt ngày.
2. H. Những lời đối đáp là những lời gì?
T.Là những câu tín hữu đáp lại lời chào và lời cầu nguyện của vị chủ tế trong suốt buổi cử hành phụng vụ. Các lời đối đáp diễn tả những ước nguyện và tâm tình của cộng đoàn và mỗi tín hữu.
3. H. Vinh tụng ca là gì?
T.Vinh tụng ca là công thức để chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa về những kỳ công của Người. Có nhiều câu chúc tụng như:
   - "Nhờ Đức Giêsu Kitô..." là câu kết thúc lời nguyện, hướng lòng chúng ta về Ba Ngôi Thiên Chúa.
   - "Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời..." là thánh thi lễ Giáng Sinh mà chúng ta đọc đầu lễ (trừ Mùa Vọng, Mùa Chay)
   - "Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô..." là Vinh Tụng Ca long trọng nhất kết thúc Kinh Tạ Ơn, dành riêng cho vị tư tế.

C. LỄ SINH SỐNG NGÀY THÁNH THỂ:
THÁNH THỂ (tiếp theo)

 “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, trao cho các ông và nói: Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhở đến Thầy” (Lc 22, 19).
1. H. Đức Kitô hiện diện bao lâu trong Bí tích Thánh Thể?
T. Đức Kitô hiện diện bao lâu bánh và rượu đã truyền phép còn tồn tại.
2. H. Em phải có điều kiện nào để rước Chúa Giêsu Thánh Thể?
T. Ta phải có những điều kiện này:
   -  Một là hoàn toàn thuộc về Hội Thánh Công Giáo;
   -  Hai là ý thức mình không có tội trọng;
   -  Ba là phải giữ chay theo quy định của Hội Thánh;
   -  Bốn là có thái độ tôn kính Đức Kitô.
3. H. Vì sao Bí tích Thánh Thể bảo đảm sự sống muôn đời?
T. Vì Bí tích Thánh Thể đổ tràn trong chúng ta mọi ân sủng và phúc lành của Thiên Chúa, liên kết chúng ta với Đức Kitô và Hội Thánh trên trời.
4. H. Hội Thánh tôn thờ Bí tích Thánh Thể thế nào?
T.Hội Thánh tôn thờ Bí tích Thánh Thể bằng cách cung kính, thờ lạy, bảo quản cẩn thận bánh thánh đã truyền phép, trao Thánh Thể cho các bệnh nhân, chầu phép lành, rước kiệu và viếng Thánh Thể.

 

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC: